Có một gia đình danh giá bậc nhất Việt Nam: Nhắc đến tên người dân cả nước phải kính nể

Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân trọn đời cống hiến cho nền giáo dục Việt Nam, các con và cháu ông hiện nay cũng tiếp bước làm rạng danh dòng họ.

Dòng họ danh giá Nguyễn Lân

Cố Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, nhà biên soạn từ điển, học giả nổi tiếng của Việt Nam Nguyễn Lân (1906-2003) đã trọn đời cống hiến cho nền giáo dục Việt Nam, được xem là người có công lớn trong việc xây dựng bộ môn và khoa Tâm lý học, Giáo dục học của hệ thống các trường Sư phạm ở Việt Nam. Cứ mỗi dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, nhiều người lại nhắc đến gia đình Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân với sự kính trọng, ngưỡng mộ.

Dòng họ Nguyễn Lân danh giá bậc nhất Việt Nam: Cứ đến Ngày 20/11 lại được mọi người nhắc tên- Ảnh 1.

Gia đình Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân. Ảnh: GĐCC


Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân sinh ra trong gia đình nghèo ở vùng bạc điền thuộc huyện Mỹ Hào, Hưng Yên. Sau này khi thi vào trường Bưởi, ông nhận được học bổng toàn phần. Năm 1925, khi còn là học sinh trung học, Nguyễn Lân đã viết cuốn tiểu thuyết đầu tay mang tên “Cậu bé nhà quê”. Đó là một phần tự truyện về thời thơ ấu của ông. Cuốn tiểu thuyết này về sau được dịch sang tiếng Pháp và đến năm 1934 được xác định dùng làm sách giáo khoa cho học sinh.

Nguyễn Lân tốt nghiệp thủ khoa Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương năm 1932. Từ đó ông gắn bó cả cuộc đời mình với sự nghiệp trồng người và nghiên cứu khoa học. “Cậu bé nhà quê” thời đó về sau đã trở thành một nhà giáo nổi tiếng có công đào tạo rất nhiều thế hệ học sinh.

Không chỉ có Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân được cả Việt Nam biết đến, các đời con cháu của ông cũng làm rạng danh dòng họ. Dù theo đuổi những chuyên ngành khác nhau nhưng cả 8 người con – 7 trai và 1 gái – của cố GS Nguyễn Lân đều chọn nghề làm thầy cao quý, đó là thầy giáo và thầy thuốc.

Kể cả dâu, rể, dòng họ Nguyễn Lân có 4 giáo sư, 5 phó giáo sư, 11 tiến sĩ, thế hệ thứ ba có 3 phó giáo sư và 5 tiến sĩ. Thế hệ thứ tư tuy còn nhỏ nhưng đã có cháu dạy đại học và nhiều cháu đang học các trường đại học, các trường phổ thông danh tiếng.

Dòng họ Nguyễn Lân danh giá bậc nhất Việt Nam: Cứ đến Ngày 20/11 lại được mọi người nhắc tên- Ảnh 2.

Dòng họ Nguyễn Lân được cả nước Việt Nam biết đến. Ảnh: GĐCC

Con cháu dòng họ Nguyễn Lân tiếp nối truyền thống hiếu học

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, GS Nguyễn Lân Hùng cho biết: “Chúng tôi không phải là những người giỏi mà chúng tôi giỏi lên chính là nhờ sự nhắc nhở của bố. Bố tôi nói ít nhưng rất sâu sắc và làm tấm gương cho chúng tôi cố gắng học hành”.

Có được thành quả ngày hôm nay, theo GS Lân Hùng: “Công đầu tiên phải nói là từ cha tôi. Dù sinh ra trong nghèo khó nhưng ông luôn ham học. Ông thọ 98 tuổi nhưng làm việc đến năm 95 tuổi. Ngày nào ông cũng miệt mài 10 tiếng và rất nghiêm túc. Đúng 8h sáng làm việc, trưa nghỉ rồi 1h chiều dậy làm việc, kể cả thứ 7, chủ nhật. Anh Nguyễn Lân Dũng rất chăm chỉ. Anh còn ngủ luôn ở phòng thí nghiệm. Nhà tôi 8 anh em đều dạy đại học, đến thế hệ các cháu cũng noi gương nghiên cứu khoa học.

Mọi người bảo do gen nhưng tôi cho rằng gia đình chúng tôi cũng bình thường, do không khí gia đình thôi. Các thành viên trong nhà luôn động viên nhau, bảo ban nhau học tập, người đi trước nối tiếp làm gương cho người đi sau.

Ngoài ra, gia đình chúng tôi rất gắn bó, đoàn kết. Khi cha tôi còn sống, con cháu mỗi tháng gặp nhau một lần. Tháng nào có sinh nhật hay ai đó thành công, đạt thành tựu nào đó đều gặp nhau chúc mừng. Tối 30 Tết chúng tôi về nhà thắp hương, các ngày giỗ, ngày Ông Táo và ngày mùng 2 gặp nhau cả nhà. Theo tôi, các buổi gặp gỡ này rất quan trọng, tạo không khí hiểu biết, gần gũi từ đó động viên nhau, có khuyết điểm, sai sót thì giúp đỡ nhau. Các cháu vươn lên trong học tập lại là nguồn động viên lại cho cha ông”.

Còn gia đình GS Nguyễn Lân Dũng có 2 người con đều học hành giỏi giang, thành đạt. Người con trai đầu là Nguyễn Lân Hiếu, sinh năm 1972, là Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Con gái là TS Nguyễn Kim Nữ Thảo, sinh năm 1983, từng được vinh danh là 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, hiện là giảng viên trường Đại học Khoa học Tự Nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Vợ chồng ông có 4 người cháu là Nguyễn Lân Nghĩa, Nguyễn Tố An, Phạm Mỹ An, Phạm Thảo An.

Dòng họ Nguyễn Lân danh giá bậc nhất Việt Nam: Cứ đến Ngày 20/11 lại được mọi người nhắc tên- Ảnh 3.

Cố giáo sư Nguyễn Lân và vợ – bà Nguyễn Thị Tề. Ảnh: GĐCC

GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ truyền thống hiếu học của gia đình ông: “Thái độ tốt nhất với con cái là động viên và trong mọi hoàn cảnh phải tạo điều kiện tốt nhất cho con học, khó khăn đến đâu cũng cố gắng cho con học trường tốt để giữ được truyền thống hiếu học của cả 2 gia đình. Dù khó khăn về vật chất trong thời chống Mỹ, nhưng không bao giờ chúng tôi để các con thiếu dinh dưỡng, thiếu sách vở.

Con trai tôi từng vừa đi rửa bát, vừa học mổ tim ở Pháp. Con gái nhận học bổng du học ở Mỹ. Con bảo vệ luận án tiến sĩ với một chất tìm được không có trong tự nhiên mà chính bản thân tôi còn không hiểu. Các cháu tôi thì có nền tảng từ gia đình nên cứ thế phát triển lên. Cháu nội Nguyễn Lân Nghĩa (con trai bác sĩ Lân Hiếu) học Đại học Harvard ở Mỹ. Cháu ngoại học tiểu học đã đam mê vẽ tranh, đánh đàn piano, còn xin ông một quyển sổ để viết truyện bằng tiếng Anh.

Việc chọn nghề cũng để các con tự quyết định. Con trai Hiếu chọn ngành Y theo mẹ, còn con gái Thảo chọn ngành Sinh học theo bố. Hai con luôn đạt thành tích cao trong học tập và sau này đi học nước ngoài đều bằng học bổng. Thảo học tiến sĩ ở Mỹ và sau này đi thực tập tại Nhật. Khi học phổ thông, Thảo từng có huy chương của một cuộc thi Olympic Quốc tế.

Vợ chồng tôi quan niệm dạy con vừa là niềm vui, vừa là trách nhiệm của cả hai vợ chồng. Điều vợ chồng tôi mong mỏi nhất ở hai con là lòng hiếu thảo, vì thế nên mới đặt tên hai con như vậy. Chúng tôi mong muốn hai con không chỉ hiếu thảo với cha mẹ, ông bà mà còn là hiếu thảo với thầy cô, với quê hương, đất nước.

Chúng tôi không dạy dỗ gì nhiều con cái mà chủ yếu chỉ là làm gương trong cuộc sống và nhắc nhở thường xuyên với con (và sau này cả với các cháu) về những việc nên làm, những việc nên tránh. Chúng tôi mua các sách báo phù hợp để các con tự bồi dưỡng thêm trí thức và tình cảm. Chúng tôi cũng quan tâm đến việc chọn bạn của các con. Cả hai con đều có những người bạn rất thân từ thời học tiểu học cho đến nay. Chúng tôi lưu ý đến sức khỏe của hai con cũng như bồi dưỡng lòng yêu quý nghệ thuật. Về sau, do có điều kiện hơn nên cả hai con đều mua được đàn piano cho các con của mình và cho các cháu được học vẽ từ nhỏ.

Dạy con trước hết là bằng sự gương mẫu của cha mẹ. Chúng tôi đều chịu khó tự học ngoại ngữ để có thể tiếp thu kiến thức từ sách báo nước ngoài và thuận lợi cho các đợt bồi dưỡng tại nước ngoài. Chúng tôi thường xuyên tự bồi dưỡng qua sách vở để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn của mình. Sự gương mẫu của bố mẹ có tác dụng rất lớn với con cái.

Chúng tôi xây dựng tủ sách gia đình với đủ các sách công cụ (từ điển, sách tra cứu), sách khoa học chuyên ngành, sách văn hóa, nghệ thuật, nữ công, gia chánh. Các tường trong nhà đều là giá sách và đó là tài sản rất có ích cho mọi thành viên của gia đình. Chúng tôi tạo điều kiện cho con, cháu về chỗ học tập, sách vở, máy tính, máy in, điện thoại thông minh. Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở các cháu về lòng kính trọng thầy cô và thường xuyên giữ mối quan hệ với thầy cô. Con cháu là niềm vui lớn nhất trong cuộc sống. Không gì hạnh phúc bằng việc con cháu khỏe mạnh, thành trưởng và có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc”.

google.com, pub-9803680351053178, DIRECT, f08c47fec0942fa0